Cây đàn piano dã không còn xa lạ với mỗi người chơi nhạc ngày nay. Thâm chí, đàn piano đã trở thành một nhạc cụ phổ biến được chơi rộng rãi trong các sự kiện. Tuy nhiên lịch sử về cây đàn piano thì không phải ai cũng biết…
Đàn piano có tên ban đầu là gravicembalo col piano e forte (đàn clavecin có âm thanh êm ái và mạnh mẽ). Ngày nay cây đàn piano không hổ danh khi được gọi là “ông hoàng của các loại nhạc cụ”. …Với âm vực rộng, âm sắc thánh thót, kiều diễm, khả năng biểu hiện phong phú, nhất là về mặt xử lý cường độ tinh tế – như chính tên gọi của nó. Song để có được như hôm nay, lịch sử cây đàn piano là cả một chặng đường dài với nhiều cải tiến thử nghiệm mà điều then chốt giúp nó trở thành “ông hoàng” lại là ý tưởng của một nhân viên bảo quản bảo tàng nhạc cụ.
Những thủy tổ của đàn piano:Đàn clavicorde
Trước khi lên ngôi vị như hiện nay, piano đã phải sống với một địa vị “thấp kém”, chẳng ai ngó ngàng tới. Lúc đầu, hình dáng nó khác hẳn với cây piano ngày nay và điều đặc biệt là nó đã bắt đầu với chỉ có… một dây – đó là loại đàn độc huyền của người Hy Lạp. Thuở ban đầu, đàn này được dùng làm dụng cụ vật lý và trợ lực thị giác cho các triết gia thời cổ đại và các nhà tu hành thời Trung cổ để nghiên cứu những qui tắc ký âm pháp – một môn khoa học của thời đó.
Một ngày kia, các nhà tu hành mới vào dòng tu ở một tu viện nảy ra ý nghĩ tập hợp nhiều đàn độc huyền lại và cho nó vang lên cùng một lúc để giải trí. Dưới mỗi dây đàn, họ đặt một giá đỡ và đính nó lại với một phím đàn. Khi lấy tay ấn xuống phím, giá đỡ chạm vào dây đàn và phát ra âm thanh. Đó là sự xuất hiện cây đàn phím đầu tiên – đàn clavicorde. Song vào thời đó (khoảng thế kỷ thứ 10), những giáo sĩ Trung cổ xem các tập hợp âm là sự phạm thượng vì Thượng đế chỉ thích các con chiên đồng ca một bè. Trong lúc đó, các nhạc sĩ dân gian đã sử dụng lối hát nhiều bè từ lâu. Vì vậy đàn clavicorde đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới nhà thờ để hòa mình vào đời sống âm nhạc “trần tục”.
Đàn clavecin
Hoà mình với cuộc sống những nghệ sĩ dân gian, đàn clavicorde chẳng hề cô độc vì chẳng bao lâu sau đó nó có một người bạn đang trưởng thành, đó là clavecin. So với clavicorde, đàn clavecin có những ưu điểm như: rất nhiều dây, mỗi phím ứng với một hoặc nhiều dây, trong lúc đàn clavicorde có khi có 4-5 giá đỡ và phím cho một dây (đến thế kỷ 18, clavicorde mới có số dây bằng số phím). Âm thanh của clavecin được tạo ra không phải là những giá đỡ chạm vào dây như của clavicorde mà là những lông quạ gảy vào dây, chính vì vậy mà âm thanh rõ ràng, trong sáng hơn. Âm thanh của nó đã mau chóng chinh phục mọi người, nó chỉ có một nhược điểm là dù tác động lên bàn phím mạnh hay nhẹ, âm thanh cũng phát ra với cường độ như nhau và đó cũng chính là điểm mấu chốt cần khắc phục để có thể nó lên ngôi.
Đàn clavecin đầu tiên có hình chữ nhật sau đó nó được cải tiến có hình cánh chim thanh thoát như cây grand-piano hiện nay. Thêm vào đó, các nhà chế tạo đàn còn bổ sung các họa tiết trang trí cầu kỳ, sơn và đánh bóng thật đẹp, nó trở thành vật trang trí và là nhạc cụ thời thượng không thể thiếu trong các phòng khách quí tộc. Ngoài ra, clavecin được cải tiến một số chi tiết đáng kể như: các lông quạ được thay bằng các đũa gảy bằng da hoặc kim loại, dây đàn bằng ruột súc vật thay bằng đồng thau. Nhạc cụ có âm thanh vang hơn và mang màu sắc mới. Song mặc dù được cải tiến nhiều, các nhạc sĩ rất ưa thích nó, nhưng họ cũng muốn clavecin có thể thay đổi cường độ để tạo những sắc thái tình cảm, muốn âm thanh ngân dài hơn, phong phú và truyền cảm hơn…
Dù đã được cải tiến rất nhiều nhưng clavecin chưa thật sự làm hài lòng các nhạc sĩ.
“Ông hoàng” ra đời và cha đẻ chết trong nghèo túng
Vào khoảng cuối thế kỷ 17 tại Bảo tàng nhạc cụ thành phố Florence nước Ý, có một nhân viên quản lý tên Bartolomeo Cristofori. Ông suốt đời sống giữa các cây đàn clavicorde, clavecin và tâm trí luôn nghĩ tới những dự kiến cải tiến đàn clavecin. Phát minh của ông rất đơn giản: thay các que gảy dây bằng các búa nhỏ đập vào dây, đập mạnh hay yếu ta sẽ có được âm thanh lớn hoặc nhỏ. Thật ra điều này không phải là mới, thời cổ xưa người ta đã chơi đàn tympanon bằng cách gõ vào dây. Vấn đề ở chỗ là làm cho búa gõ lên dây đàn liên hệ chặt chẽ với lực tác động lên bàn phím, để ấn mạnh lên phím đàn sẽ có âm thanh lớn, ấn nhẹ thì có âm thanh nhỏ hơn.
Người ta không biết Bartolomeo Cristofori mất bao nhiêu thời gian và thử nghiệm bao nhiêu giải pháp, nhưng năm 1709 những người đến bảo tàng Florence đã có thể chiêm ngưỡng bốn cây đàn clavecin cải tiến do ông chế tạo với cái tên gọi mới cũng do ông đặt là gravicembalo col piano e forte (mà sau này người ta gọi tắt là piano). Giải pháp ưu việt cuối cùng của ông là tạo ra một thiết bị tinh xảo gồm một đòn bẩy kép có gắn một búa nhỏ, nhẹ, bọc da, gắn với phím đàn và chịu tác động trực tiếp của lực tác động lên phím. Búa đập vào dây đàn để tạo âm thanh và có bộ phận tắt âm bằng dạ khi ngón tay không còn ấn xuống phím đàn nữa.
Những cây đàn này sau đó được trình cho người bảo trợ ông là công tước Ferdinand de Médicis và vào năm 1711, Scipione Maffei đã miêu tả nhạc cụ này trong tạp chí “Văn chương nước Ý”.
Tuy đàn piano có nhiều ưu điểm, nó vẫn chưa được các nhạc sĩ dùng ngay và Bartolomeo Cristofori đã chết trong nghèo túng vào năm 1731, không kịp chứng kiến phút đăng quang của đứa con do mình tạora và bản thân ông cũng không được nhiều người biết đến.
Đàn piano sau đó được các nhạc sĩ như J.S.Bach, W.A.Mozart, L.V.Beethoven tiếp nhận và thổi vào cho nó những giai điệu mê hoặc. Cùng với sự nhạy cảm về cường độ, âm thanh trong sáng, kiều diễm, nhiều sắc thái, các phòng hòa nhạc đã mở toang cửa đón nhận nó.
Đàn piano hiện đại
Đàn piano với âm thanh và sắc thái phong phú, tinh tế, khi thì vang dội như sấm sét, khi thì nhỏ nhẹ, êm ái, đã chinh phục được giới nhạc sĩ cũng như người yêu âm nhạc. Thành công ban đầu của đàn piano đã thúc đẩy các nhà chế tạo nhạc cụ tiếp tục cải tiến để làm nó ngày càng hoàn hảo. Đàn piano ngày nay là sản phẩm cải tiến của rất nhiều thế hệ nghệ nhân chế tạo đàn. Hiện nay đàn piano đã đạt tới sự hoàn chỉnh về cơ học, một động tác nhấn nhẹ lên phím cũng truyền đến được dây đàn. Ngay cả những khi thực hiện kỹ thuật trémolo với tốc độ nhanh nhất và sắc thái nhẹ nhất, đàn vẫn không bị “nghẹt tiếng”.
Cho đến ngày nay, những cải tiến đáng chú ý có thể kể như sau: việc phát minh ra hệ thống pédal (bàn đạp) để ngân dài âm thanh hoặc tắt âm thanh theo ý muốn. Dây đàn cũng được thay đổi, trước đây người ta dùng dây bằng đồng thau thay cho ruột súc vật, ngày nay dây đàn dùng một lõi thép đặc biệt bên ngoài quấn dây đồng cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Việc bố trí dây đàn cũng có nhiều thay đổi, người ta có thể căng 2 hoặc 3 hàng dây chồng lên nhau, giảm bớt được diện tích mà tăng được số lượng âm thanh. Dây đàn cũng được kéo căng hơn để cho những âm thanh sáng, vang, trong hơn… Cũng chính vì thế mà khung mắc dây của đàn phải chịu một lực căng rất lớn (khoảng 20 tấn), nên khung mắc dây đã được thay bằng một khung bằng gang.
Tuy những cải tiến giúp chúng ta có được cây đàn piano hoàn hảo như ngày nay, nhưng tất cả đều dựa trên phát minh của Bartolomeo Cristofori. Để tưởng nhớ công lao của Bartolomeo Cristofori, 150 năm sau khi ông mất, người ta đã dựng một đài tưởng niệm tại thành phố Padoue – nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
TRUNG TÂM TÀI NĂNG TRẺ NHẬN DẠY ĐÀN PIANO, ORGAN, GUITAR, VIOLIN, TRỐNG, LUYỆN THANH TẠI NHÀ
HOTLINE: 090 333 1985 – 09 87 87 0217
Email: info@giasutainangtre.vn